Bởi vì em rất đam mê "sự nghiệp đi xin" để giúp đỡ học sinh và những người có hoàn cảnh khó khăn.
Quê nội Nam Định,ônghồngcủanúpomodoro timer quê ngoại Thái Bình nhưng em được sinh ra và lớn lên ở vùng rừng núi Than Uyên, vì đó là nơi cha mẹ em gặp gỡ, nên duyên và cùng ở lại để gây dựng cuộc sống mới.
Than Uyên là một huyện miền núi thuộc tỉnh Lai Châu, nơi đa số người dân trong các bản làng vẫn còn nghèo đói, cuộc sống vô cùng khó khăn, vất vả; nơi thi thoảng vẫn phải hứng chịu những cơn giận dữ của mẹ thiên nhiên như lũ quét, lũ ống gây lở núi, sập nhà.
"Em yêu Than Uyên bất chấp mọi hoàn cảnh và thời tiết", nguyên văn lời em nói với tôi như vậy. Cái từ "bất chấp" có vẻ tếu táo, vui vui nhưng như ngầm ẩn chứa trong đó một thứ tình yêu vô điều kiện.
Em yêu từng góc núi, từng cánh đồng và buồn khi thấy cảnh quan tươi đẹp ấy bị phá vỡ bởi sự một sự vô tâm nào đó. Càng buồn hơn nữa khi gặp những hoàn cảnh khó khăn, những mảnh đời bất hạnh, nhiều em học sinh đến trường không có đủ dụng cụ học tập, giày dép hay quần áo ấm để mặc. Anh Hoàng Trí, một người anh họ của em đã chia sẻ: "Em nó khóc mấy ngày nay vì thấy bão lũ làm sạt lở đất đá, làm sập nhà cửa của bà con".
Chính bởi tình yêu với đất và người như vậy đã thôi thúc em bước đi trên con đường thiện nguyện. Năm 2010, Nhung khi ấy 30 tuổi, đang làm Tổng phụ trách đội ở Trường THCS thị trấn Than Uyên, đã kêu gọi học sinh của mình quyên góp đồ dùng cho các bạn vùng sâu vùng xa của huyện. Và đó chính là chuyến "đi xin" đầu tiên.
Năm 2012, em làm hiệu phó tại Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Ta Gia, một ngôi trường có rất nhiều những học sinh nghèo. Chính điều đó là lý do khiến "sự nghiệp đi xin" của em bắt đầu phát triển mạnh và liên tục hơn. Quãng đường đi làm mỗi ngày dài 54 km rồi mà em vẫn còn tranh thủ đến tất cả những nơi người ta nhắn cho đồ cũ, em nhận rồi lại mang đến trường để tặng cho học sinh.
Năm 2015, nhóm "Thương lắm vùng cao Than Uyên" được thành lập, Nhung làm trưởng nhóm và cái tên "trưởng nhóm cái bang" có từ đấy. Cũng thời điểm đó, ở Quảng Ngãi bị lụt lớn, nhóm của các em đã kết nối cùng một số nhóm thiện nguyện khác lên kế hoạch giải cứu dưa hấu cho bà con. Mặc dù rất bận trong việc ôn luyện bồi dưỡng cho học sinh giỏi cấp tỉnh nhưng mỗi buổi chiều sau khi xong việc là Nhung lại cùng bán dưa với mọi người tại cổng sân vận động của huyện.
Sau này nhóm cũng tản mát dần do có những chị em lập gia đình nơi xa, có người chuyển công tác không còn ở Than Uyên nữa, gần như chỉ còn một mình Nhung, nhưng các hoạt động thiện nguyện vẫn được duy trì. Nếu cần sự hỗ trợ lực lượng thì em liên hệ với các nhóm khác cũng như từ chính quyền địa phương cơ sở.
Không chỉ đi xin cho học trò, hễ cứ gặp hoàn cảnh khó khăn nào là Đinh Hồng Nhung lại tìm cách để giúp đỡ. Họ có thể là một cụ già neo đơn hay những hộ dân bị bão lũ làm sập nhà cửa; cũng có thể là những em nhỏ mồ côi hay bị cha mẹ bỏ rơi, hoặc cha mẹ chẳng may vướng phải vòng lao lý.
Cụ thể như em đã xin được kinh phí xây nhà cho hộ Hoàng Thị Định ở Pá Liềng, Tà Mung; xin hỗ trợ cho 2 trẻ mồ côi ở xã Khoen On; lo Tết Trung thu năm 2022 ở bản Tu San... Và còn nhiều nữa những việc làm tuy không quá lớn lao nhưng đầy ý nghĩa thiết thực mà trong khuôn khổ bài viết này tôi không thể kể ra hết được, cũng không kể lể quá nhiều cũng là để tôn trọng lời đề nghị của Nhung: "Chị viết gì thì vừa vừa thôi nhé, em ngại lắm! Em làm những việc này vì chính mình thấy vui chứ cũng chẳng có gì to tát cả".
Có rất nhiều người làm từ thiện với nhiều hình thức khác nhau, nhưng làm theo cách "đi xin" hết lần này đến lần khác, hết năm này sang năm khác thì không phải ai cũng kiên trì làm được. Bởi công việc đó không phải lúc nào cũng nhận được sự thấu hiểu và cảm thông.
Em nói lúc đầu chồng em cũng không ủng hộ lắm, vì thấy việc đó chiếm mất nhiều thời gian của em cho gia đình. Về sau anh ấy cũng dần hiểu, tôn trọng và làm hậu phương vững chắc cho em.
Sở dĩ Đinh Hồng Nhung có thể đi xin và kết nối được là vì em cũng có uy tín nhất định đối với những người xung quanh. Em được cả học trò và đồng nghiệp mến yêu, tin tưởng bằng chính năng lực chuyên môn, bằng cái tâm trong sáng và tinh thần trách nhiệm cao trong mỗi việc em làm. Qua đó niềm tin được nối dài khiến em thuận lợi hơn trong công tác vận động từ thiện.
Đã nhiều năm liền Đinh Hồng Nhung luôn giữ vững danh hiệu là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, rồi cấp tỉnh. Em còn làm thơ, viết tản văn và có một số đầu sách đã xuất bản. Đọc những gì em viết mới thấy, từng câu, từng chữ đều thấm đẫm ân tình với Than Uyên. Văn cũng như người, tất cả những việc em làm, từ việc "cõng chữ lên non" đến "sự nghiệp đi xin" đều là vì quá yêu, quá nặng lòng với mảnh đất đã nuôi em khôn lớn.
Tôi đã đọc tản văn "Than Uyên, mùa gió ngọt" của Nhung và say sưa với những cơn gió nồng nàn hương lúa chín chảy qua những cánh đồng của bản mường. Hay, đắm mình trong "Hương rừng" với những lời thơ tình tứ:
"Cho tôi về Tây Bắc
Đêm trăng đi chọc sàn
Ngỏ lời "ai mặc noọng"
Hương rừng say miên man".